Sách Bảo Khang Logo
Mua sách tại nhà 0969.427.661
Giỏ hàng 0

Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ - HUỲNH HỮU ỦY

Thứ Sáu, 02/12/2022

Ngày trước, các tác phẩm văn học lớn thường có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Những tác phẩm đã phổ cập trong mọi tầng lớp nhân dân, sâu sắc về đạo đức, tinh thần, uẩn súc về triết lý, là tấm gương trong lịch sử, hoặc thâm thúy, đẹp đẽ về văn chương thì cũng đều trở thành đề tài đầy cảm hứng cho người nghệ sĩ dân gian khi khắc vẽ và in ấn thành tranh mộc bản.

Đầu thế kỷ XX, vào năm 1908 1909, khi đề ra công trình khảo tả về xã hội Việt Nam trên địa bàn miền Bắc, Oger đã cùng một họa sĩ đi điền dã khắp nơi, ghi chép tại chỗ nhiều cảnh quan, nhiều dụng cụ, đồ nghề, đồ vật... rồi với gần 30 người khắc gỗ và thợ in gốc làng Hồng Lục, Liễu Tràng (Hải Dương), H. Oger đã thực hiện được một công trình văn hóa quả là hết sức lớn, để lại cho chúng ta một bộ bách khoa thư mà cùng lúc cũng là một bức tranh toàn cảnh về xã hội đương thời, và ở đây, trong công trình đồ sộ này, chúng ta cũng gặp thấy nhiều tranh dân gian cổ, nhiều tranh truyện xưa được vẽ và khắc lại, như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Hán Sở Tranh Hùng, truyện Hoa Tiên, truyện Kiều... những tranh khắc này hoặc chỉ là chép lại, mô phỏng, hoặc đôi khi cũng là sáng tác mới. Khía cạnh này ít nhiều cũng cho thấy rằng tranh dân gian xây dựng trên nội dung các tác phẩm văn học cũng là một mảng quan trọng, trong toàn bộ kho tàng tranh mộc bản dân gian cổ.

Nghiên cứu về các dòng tranh dân gian trên khắp ba miền đất nước, khi đi qua dòng tranh Hàng Trống, giữa đất Hà Nội cũ, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bộ tranh truyện do Thanh An hiệu sản xuất vào những thập niên 30 và 40 của thế kỷ này. Hiện nay, ở Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội còn bảo quản được một số bản khắc gỗ của các tranh truyện Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc, Chiêu Quân Cống Hộ, Nhị Độ Mai, Sơn Hậu, những bản gỗ này có khuôn khổ 0m36 x 1m06 do cụ bà Vũ Văn Thu là con gái duy nhất của Thanh An hiệu tặng lại cho Viện Bảo Tàng vào đầu năm 1980, sau bao vật đổi sao dời đã may mắn còn rơi rớt lại như những vết tích đáng trân trọng của một thời quá vãng (1).

 

* Bộ Đông Chu Liệt Quốc gồm bốn tranh khắc trên hai tấm ván, dựa sát vào các sử liệu của Trung Quốc về các biến cố của một thời kỳ phân liệt dữ dội trong lịch sử, với những nhân vật rất quen thuộc trong quần chúng: U Vương nhà Chu, Bao Tự, Ngô Phù Sai, Việt Câu Tiễn, Tây Thi...

* Bộ tranh 4 tấm Hán Sở Tranh Hùng dựa vào các tài liệu lịch sử thời Tiền Hán, nên cũng có tên là Tiền Hán.

* Về bộ Tam Quốc Chí, trong những bản gỗ của Thanh An hiệu tặng cho Viện Bảo Tàng Hà Nội, có đến 2 bộ ván khác nhau, cũ và mới. Tam Quốc Chí, một kiệt tác của văn học Trung Hoa, được Thánh Thán xếp vào loại đệ nhất tài tử của nền văn học cổ điển, không những rất quen thuộc với giới sĩ phu, người có học, mà cả đến người bình dân, lao động nơi thành thị, nông dân ở chốn đồng quê cũng thường thuộc nằm lòng, kể lại vanh vách những hồi truyện, những chiến tích của các danh tướng Quan Công, Trương Phi, Triệu Tử Long, hay mưu lược kinh thiên động địa của hai tay mưu sĩ xuất quỷ nhập thân Chu Du, Gia Cát Lượng.

Có lẽ chúng ta cũng nên kể qua ở đây các phân đoạn, hồi cảnh trên hai bộ tranh này.

A) Bộ tranh mới khắc vẽ lại các cảnh sau:

Tranh 1: Hội ngộ ở cổ thành (trong trích đoạn Quan Công phò nhị tẩu).

Tranh 2: My phu nhân trao A Đầu cho Triệu Tử Long trong trận Đương Dương - Trường Bản (phần trên). Tào Tháo tặng áo Quan Công (Trong trích đoạn Quan Công phò nhị tẩu) (phần dưới).

Tranh 3: Triệu Tử Long và Trương Phi trong trận Đương Dương - Trường Bản.

Tranh 4: Hoa Dung tiểu lộ (phần trên), Tam Anh chiến Lã Bố (phần dưới).

 

B) Trên bộ ván khắc cũ gồm các trích đoạn sau:

 

Tranh 1: Tạm Anh chiến Lã Bố (phần trên). Giang Tả cầu hôn (phần dưới).

Tranh 2: Hội Ngộ ở Cổ Thành (phần trên). Triệt Giang đoạt Á Đẩu (phần dưới).

Tranh 3: Hoa Dung tiểu lộ (phần trên). Cửa Tam Giang, Chu Du phóng hỏa (phần giữa). Đàn Thất Tinh, Gia Cát cầu phong (phần dưới)

Tranh 4: Thất cầm Mạnh Hoạch (phần trên). Tế Lư Giang, Gia Cát rút quân (phần dưới) (2).

* Bộ tranh Chiêu Quân Cống Hồ, tập hợp nội dung hai câu chuyện sứ thần Tô Vũ bị Hung Nô bắt giữ, phải đi chăn dê giữa cảnh tuyết giá đất Bắc 19 năm rồi được cứu thoát, cùng với chuyện kể Vương Chiêu Quân, một cung nhân tài sắc thời Hán Vũ đế (141-88 trước Công Nguyên) bị đưa đi cống rợ Hồ, đã nhảy xuống sông tự vẫn sau buổi cáo tế chuẩn bị hợp hôn với vua Hung Nô.

* Bộ tranh truyện Sơn Hậu, dựa vào vở tuồng Sơn Hậu xuất hiện trên sân khấu tuồng từ thế kỷ 18 ở vùng Đàng Trong. Nội dung vở tuồng hoàn toàn do tác giả hư cấu, chứ không dựa vào các sử sự của Trung Quốc như ở nhiều tác phẩm văn học cổ khác. Hiện nay, không có bản sao chụp những bản gỗ này trong tay, chúng tôi xin liệt kê thứ lớp, phân đoạn, hồi cảnh bộ tranh Sơn Hậu theo sự mô tả của Phan Ngọc Khuê (tài liệu đã dẫn, chú thích 1), cũng là một cách tiến lại gần để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật dân gian cổ.

Bộ tranh Sơn Hậu gồm 4 bức:

Tranh 1: Phần trên: Thái sư Tạ Thiên Lăng muốn cướp ngôi vua Tề đã già yếu, tổ chức một bữa tiệc tại tư dinh là Tiểu Giang Sơn để thăm dò các quan đồng triều. Hiểu rõ mưu đồ của Lăng, lão thần trung lighĩa Triệu Khác Thường dã lớn tiếng chỉ trích, bị Lăng ra lệnh chém chết. Tất cả đành phải qui phục. Đổng Kim Lân trá hàng để mưu sự về sau. Thái giám Lê Tử Trình thấy phe Tạ Thiên Lăng đang mạnh thế, nhân lúc nhà vua mới chết, bèn đoạt ấn quốc bảo dâng cho họ Tạ để chiếm lòng tin của y, nhằm cứu thứ phi họ Phàn của vua Tể hiện đang mang thai. Phần dưới: Khương Linh Tá kéo quân đến đánh phá Tiểu Giang Sơn, nhưng thấy Đổng Kim Lân đã trá hàng, ông cũng đành trá hàng, theo Tạ Thiên Lăng.

Tranh 2: Phần trên: Tạ Ôn Bình là em trai và là võ tướng nanh vuốt của Tạ Thiên Lăng đem quân ngày đêm canh phòng cẩn mậtt nơi giam giữ thứ phi Phàn Phụng Cơ và hoàng tử sơ sinh. Phân giữa: Thứ phi và hoàng tử được thái giám Lê Tử Trình bày mưu cứu ra khỏi nhà ngục, giao cho Đồng Kim Lân và Khương Linh Tá đưa về thành Sơn Hậu, nơi có Phàn Định Công và Phàn Diệm (là bố và em của Phàn Phụng Cơ) trấn giữ, mưu sự báo phục. Phần dưới: Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá thử thách lòng trung thành với triều vua cũ của Lê Tử Trình, nhằm liên kết sự hành động, mưu cứu thứ phi và hoàng tử.

Tranh 3: Phần trên: Nguyệt Hạo tam cung là vợ thứ 3 của vua Tề, cũng là chị ruột của bọn phản nghịch Tạ Thiên Lăng, đã bày mưu cùng Lê Tử Trình, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá cứu thoát thứ phi và hoàng tử. Sau đó, bà bỏ đi tu tại chùa Tây Sơn, ở đây bà bị bọn ác tăng Giả Ngu định hãm hiếp, nhưng với sự bảo trợ của thiên thần, bà chống cự lại được. Phần dưới: Phàn Định Công và con trai Phàn Diệm chém người dụ hàng của Tạ Thiên Lăng, lấy máu tế cờ, khởi binh từ Sơn Hậu về kinh đô để đánh bọn phản nghịch họ Tạ.

Tranh 4: Phần trên: Anh em Tạ Thiên Lăng bị thua Đổng Kim Lân và Phàn Diệm, bèn bắt mẹ Đổng Kim Lân và dọa đốt chết, nếu Đổng Kim Lân không hàng chúng. Nhờ có Nguyệt Hạo tam cung đồng tình, giả vờ bị Đổng Kim Lân bắt được, mà Đổng Mẫu được cứu thoát trong cuộc "trao đổi tù binh” của hai phe. Tạ đón chị, Đổng đón mẹ. Phần dưới: Nhờ Khương Linh Tá cản đường anh em Tạ Ôn Đình mà thứ phi, hoàng tử và Đổng Kim Lân chạy thoát (sau khi ở ngục ra). Khương Linh Tá bị anh em Tạ Ôn Đình chém đầu, nhưng thây ma của ông đứng dậy, cầm đầu của mình mà chạy theo vó ngựa của Đồng Kim Lân để phù trợ cho bạn, cho ấu chúa, cho thứ phi trước con mắt kinh hoàng của lũ phản nghịch.

Theo đánh giá của Phan Ngọc Khuê, bộ tranh Sơn Hậu có giá trị thực sự vì rất sống động, hơn thế nữa cũng không bị ảnh hưởng bút pháp ngoại lại nhiều như các bộ tranh khác, đã kể ở trên. Các nhân vật được ghi nhận rất tài tình, sống động, tỏ rằng tác giả có khả năng quan sát rất cao về những vai diễn trên sân khấu, hơn thế nữa nó cũng chứng tỏ tác giả rất am hiểu về nghệ thuật tuồng cổ: không chỉ ở động tác bên ngoài của diễn viên, mà ở cả chiều sâu nội tâm của nhân vật. Điều này rất dễ thấy rõ trong các cảnh: Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá thử thách lòng trung thành của thái giám Lê Tử Trình, hoặc trong cảnh Đổng Kim Lân chứng kiến cái chết của lão thần trung nghĩa Triệu Khắc Thường. Có thể nói rằng Sơn Hậu là bộ tranh có giá trị nhất mà Thanh An hiệu đã có công gìn giữ, bảo quản và ngày nay đã cung cấp cho Bảo tàng Mỹ Thuật để tiếp tục gìn giữ cho hậu thế.

Vẽ tranh truyện dân gian, ngoài các bộ tranh vừa để cập, cũng phải kể đến các bộ khác nữa, như Hoa Tiên, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, và đặc biệt nhất là truyện Kiều, khắc vẽ theo nội dung tập truyện kiều của Nguyễn Du. Văn chương truyện kiều, hòa nhập với dòng lục bát, đã thấm sâu trong mạch máu tâm hồn dân tộc. Hắn rằng chưa có một tác phẩm nào trong nền văn học Việt nam đã đạt đến chiều sâu kỳ diệu ấy. Người trí thức uyên thâm hay kẻ quê mùa thất học nơi chỗ đông người đều có thể thưởng thức truyện Kiều, mê Kiều, đọc Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Cũng như Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc, chúng ta có thể lập nên cả một ngành học về Kiều. Một nhà sưu tập về Kiều ở Sài Gòn trước đây, nay đã quá vãng, đã cho tôi xem cả một kho tàng tài liệu liên hệ về Kiều và Nguyễn Du, và tôi cũng đã kịp thời bổ sung thêm vào núi tài liệu vô giá ấy những bức tranh dân gian lấy đề tài từ Kiều. Hai dòng tranh dân gian lớn là Đông Hồ và Hàng Trống đều có tranh vẽ về Kiều. Xin giới thiệu ở đây bộ tranh Hàng Trống, khổ 0m36 x 1m46 gồm 4 tấm:

Tranh 1: Phần trên: Tảo mộ Kiều gặp Kim Trọng. Phần dưới: Thúc Sinh tìm Kiều ở chùa Quan Âm.

Tranh 2: Phần trên: Mã Giám Sinh rước Kiều. Phần dưới: Sở Khanh hẹn hò với Kiều.

Tranh 3: Phần trên: Từ Hải gặp Kiều. Phần dưới: Báo ân báo oán.

Tranh 4: Phần trên: Từ Hải đưa Kiều về. Phần dưới: Tái hồi Kim Trọng.

Trong bộ album do H. Oger thực hiện cũng có một bản vẽ cảnh gặp gỡ lần đầu, giữa tiết Thanh Minh, giữa Thúy Kiều và Kim Trọng: hai chị em Kiều thẹn thùng nép mình dưới một khóm hoa bên đường, em trai Kiều là Vương Quan nhận ra bạn nên bước tới chào hỏi và Kim Trọng thì dáng dấp rất phong nhã, trâm anh, trên mình ngựa cũng sắp bước xuống để chuyện trò, tâm tình. Phía góc trái bức tranh có mấy dòng ghi chú:

Kim Vân Kiều tương ngộ kỳ nhất:

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Nguyên người quanh quất đâu xa,

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.

Bản vẽ này chỉ là một mô phỏng và có thay đổi đôi chút một bức khác cùng đề tài của làng Hồ trước đây. Chúng tôi định cho in lại cả 2 bức để chúng ta có thể xem xét và đối chiếu; tuy nhiên, thấy hơi rườm rà vì trùng lập vào nhau nên chỉ in bức thuộc bộ sưu tập H. Oger.

Chú thích:

(1) CF. Bản báo cáo tư liệu Ván khắc tranh truyện Hàng Trống của Thanh An hiệu - Hà Nội của Phan Ngọc Khuê, lưu trữ tại phòng tư liệu viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội.

(2) Nơi các tranh truyện khổ lớn có chiều ngang ngắn hơn và chiều dài trãi rộng, ví dụ khổ 0m36 x 1m06 thì thường được khắc thành 2 phần, phần trên là một cảnh tượng, phân đoạn, hồi cảnh nào đó; phần dưới lại là một hồi cảnh khác. Tranh Đông Hồ thường là loại khổ giấy nhỏ thì chỉ vẽ một cảnh mà thôi, nên một bộ tranh liên hoàn thường bao giờ cũng phải gồm đến 8 tấm.

H. 156. Kim Vân Kiều tương ngộ kỳ nhất.

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.

H. 157. Hoa Tiên Cổ Truyện.

Cố tình ép liễu nài hoa,

Lối về Sinh đã dạo ra bên tường.

Nước thu lóng lánh một dòng,

Mai đào e ấp vẻ lan dạn dầy.

 

Huỳnh Hữu Ủy

Nguồn: Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa
Văn Mới 2013

Liên hệ Bảo Khang để được tư vấn tốt nhất!

Bài viết khác
Khí chất bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu

Khí chất bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu

Hãy sống như một trái dứa: Đầu đội vương miện, dáng đứng hiên ngang – Bên ngoài gai góc, bên trong ngọt...

'Mê hồn ca': Một dòng tình hoang sơ trong mộng mị

'Mê hồn ca': Một dòng tình hoang sơ trong mộng mị

“Mê hồn ca” là tác phẩm đầu tay của thi sĩ Đinh Hùng do nhà xuất bản Tiếng Phương Ðông ấn hành tại Hà...

Quên Một Người Là Chuyện Của Thời Gian

Quên Một Người Là Chuyện Của Thời Gian

Thanh xuân như một tách cà phê phin, từng phút lại có một giọt rơi xuống ly, nhưng cuối cùng ta lại...